Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sản xuất nông nghiệp và các giải pháp đã và đang triển khai thực hiện

Chủ Nhật, 10/10/2021 - 20:39
Đọc bài viết In bài E-mail - + - + | Chia sẻ

Trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hầu như không bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản đã diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 7, khi thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và từ ngày 19/7 đến nay, khi 19 tỉnh thành phía Nam, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội Chỉ thị 16, thì các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản đã bị ảnh hưởng rất nhiều, cụ thể:

Trong sản xuất trồng trọt, hoạt động sản xuất tương đối ổn định, có gặp khó khăn do giá phân bón tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất; kế từ tháng 7 đến nay, có một số diện tích chuyên trồng rau bà con nông dân tạm dừng sản xuất do sản xuất ra không tiêu thụ được, một số trang trại trồng rau thiếu lao động do thực hiện giản cách xã hội (không thể áp dụng 3 tại chỗ), khó khăn chủ yếu ở khâu tiêu thụ các sản phẩm đến vụ thu hoạch, công tác vận chuyển sản phẩm, dẫn đến giá các loại nông sản giảm thấp, đặc biệt là cây ăn quả. Dự báo nếu tình hình vẫn diễn biến phức tạp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ các loại trái cây như mãng cầu, bưởi, thanh long,...

Trong sản xuất chăn nuôi, hoạt động sản xuất cũng tương đối ổn định, có gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí phòng chống dịch bệnh tăng, làm tăng chi phí sản xuất, trong khi đó: trừ giá trứng đang tăng cao, giá thịt giảm, nhất là thịt heo nên một số cơ sở chăn nuôi heo, gà sau khi xuất bán không dám tái lập đàn; tiêu thụ sản phẩm hầu như không gặp khó khăn do đa số các trang trại chăn nuôi heo, gà chăn nuôi theo hình thức gia công nên đầu ra sản phẩm ổn định. Số lượng gà trắng công nghiệp tồn đọng, không có đầu ra dẫn đến giá bán mặc dù đã cao hơn thời điểm tháng 8 nhưng do giá thành tăng cao, người chăn nuôi không có lãi do đó ảnh hưởng đến công tác tái đàn.

Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, hoạt động sản xuất cũng tương đối ổn định, có gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất; một số cơ sở nuôi công nghiệp, nuôi lồng bè sau khi xuất bán không dám tái lập đàn; một số sản phẩm cá nước ngọt, cá nuôi lồng bè đến vụ thu hoạch có gặp khó khăn trong tiêu thụ, giá bán giảm thấp.

Trong hoạt động khai thác thủy sản, từ đầu năm đã bị ảnh hưởng do giá hải sản làm nguyên liệu cho chế biến giảm thấp, do các doanh nghiệp chế biến giảm thu mua chế biến xuất khẩu; Từ ngày 19/7/2021 đến nay, khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội, một số Cảng cá bị phong tỏa do dịch Covid-19 (có 7/13 cảng cá tạm ngưng hoạt động), từ ngày 28/8/2021, Tỉnh tạm ngưng cho phép tàu cá xuất biến đi biển nên đã xảy tình trạng nhiều tàu cá nằm bờ (trong tháng 9, chỉ có khoảng 422 tàu cá/4.186 thuyền viên tham gia khai thác, chiếm 16% tổng số tàu toàn tỉnh) nên sản lượng khai thác trong tháng 9 giảm thấp. Đến ngày 19 – 20/8, Tỉnh đã cho phép một số phương tiện khai thác gần bờ trên địa bàn huyện Đất Đỏ và xuyên Mộc được phép đi biển trở lại.

Về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản:

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, một số cửa khẩu giáp biên giới Việt Nam tạm đóng cửa hoặc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi hàng qua cửa khẩu, các chợ đầu mối như chợ Bà Rịa, chợ Thủ Đức, chợ Bình Điền, thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa, một số chợ trên địa bàn tỉnh cũng bị phong tỏa, hoạt động du lịch, các quán ăn, nhà hàng đóng cửa,… đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản của tỉnh, công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa khi 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ bị tác động rất nhiều,… khiến tình hình tiêu thụ nông thủy sản của nông dân trên cả nước nói chung và một số mặt hàng trái cây, thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất chậm, giá xuống thấp, chi phí vận chuyển cao, đặc biệt là các nông sản đang trong mùa thu hoạch như: nhãn xuồng, bơ, thanh long, mãng cầu ta, nấm, cá nước ngọt, cá nuôi lồng bè,…

Hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mai điện tử là một trong các giải pháp Sở NNPTNT đã thực hiện

Trước tình hình đó, đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo tình hình sản xuất cung ứng thực phẩm và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, cụ thể: gửi danh sách cho Sở Công Thương kết nối vào các hệ thống các chuỗi tiêu thụ (siêu thị, bách hóa xanh, cửa hàng tiện ích,...); Cung cấp danh sách cho Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và PTNT để hỗ trợ kết nối tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; kết nối đơn vị đầu mối cung cấp combo sản phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; Phối hợp vận động công chức, viên chức, hội viên tham gia hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo Chương trình phối hợp số 02/SNNPTNT-HND-HPN-ĐTNCSHCM; đưa lên sàn thương mại kết nối, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử,…

Triển khai Chương trình phối hợp số 01/2021/CTPH-TTTT-NNPTNT-HND-VNPOST-VIETTELPOST ngày 24/8/2021 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2021 giữa Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh cùng hai doanh nghiệp Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel chi nhánh Vũng Tàu. Đã cung cấp danh sách hơn 8.000 hộ sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã cho Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu trong đại dịch, đến nay đã tạo 4.524 tài khoản trên sàn Postmart.vn và 4.556 tài khoản trên sàn Voso. Kết quả số lượng sản phẩm đã kết nối qua điểm bán cố định và qua 02 sàn thương mại điện tử khoảng 230 tấn sản phẩm nông lâm thủy sản.

Hỗ trợ tiêu thụ khoảng 981 tấn sản phẩm nông lâm thủy sản (số liệu của ngành nông nghiệp hỗ trợ, chưa tính của địa phương): 85 tấn Thanh long, 161 tấn nhãn, 209 tấn bưởi, 15 tấn bơ, 12 tấn cá lồng bè, 18 tấn hàu, 110 tấn cá biển, 30 tấn cá khô, 12 tấn mắm ruốc, 11 tấn mắm tôm, 125 tấn gà, 10 tấn tôm, 25 tấn heo, 25 tấn vịt, 100 tấn củ, quả, còn lại là rau, nấm, khoai, dưa...

Hiện nay, tiếp tục tham mưu thực hiện các hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản bị tồn đọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hàng ngày tổng hợp các báo cáo về tình hình sản xuất, kết quả hỗ trợ tiêu thụ và nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản và thủy sản báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo qui định.

VPS


Đánh giá: